Wagashi vốn là nét văn hóa ẩm thực truyền thống lâu đời ở Nhật Bản. Đây là tên gọi chung cho các loại bánh ngọt được trình bày đẹp mắt, mang tính thẩm mĩ cao chứ không đơn thuần là ngon miệng. Những người dân xứ hoa anh đào vốn có quan niệm về mỹ học rất sâu sắc, do đó, cái đẹp trở thành chuẩn mực hàng đầu trong từng lĩnh vực của đời sống Nhật Bản. Không đơn thuần là một món ăn, Wagashi mang trong mình cả sự tinh tế và đa dạng văn hóa vô cùng thú vị.
Wagashi là gì?
Wagashi có thành phần chính là bột nếp, nhân đậu đỏ và hoa quả. Các loại bánh này thường được dùng trong các buổi tiệc trà, tiệc cưới, các bữa ăn nhẹ và dùng làm quà biếu cùng với rượu. Được biết, tên tiếng Hán của Wagashi là “Hòa quả tử” có nghĩa là vẻ đẹp thiên nhiên. Vì vậy, mỗi một loại bánh Wagashi đều được làm theo hình dạng ứng với hình ảnh thiên nhiên như hoa đào, hoa mơ, lá phong, bông tuyết,… Trong đó, phần nhân của bánh được làm từ đậu đỏ, điều này tượng trưng cho con người đứng giữa trung tâm của đất trời. Ngoài ra, đối với văn hóa Nhật Bản, đậu đỏ có tác dụng xua đuổi ma quỷ, bệnh tật và là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng.
Ngày nay, Wagashi đã được biến tấu thêm nhiều hương vị khác nhau, chủ yếu là từ thực vật như các loại bột, đậu, thạch rong biển, đường mía, gừng, mè, trái cây khô,… Hình ảnh thiên nhiên bốn mùa chính là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ nhân làm bánh. Trong đó, đĩa bánh sẽ mang hình ảnh các loài hoa, đặc biệt là hoa anh đào với màu hồng dịu ngọt vào mùa xuân; có màu long lanh, trong suốt mát rượi như nước vào mùa hè; có màu cam, đỏ và nhiều hình dạng mô phỏng chiếc lá phong vào mùa thu; có hình dạng những con cá vàng, mang cảm giác ấm áp của bếp lửa gia đình vào mùa đông.
Các loại bánh Wagashi phổ biến
Người Nhật Bản thường chia Wagashi theo tỉ lệ độ ẩm và có 3 loại Wagashi khác nhau. Nhóm Namagashi là nhóm bánh có độ ẩm trên 30%, trong đó, Mochi là loại bánh điển hình và được nhiều người biết đến nhất. Ngoài ra, nhóm Namagashi còn có các loại bánh như: Gyuuhi, Nerikiri, Kimi shigure, Sakura mochi… Nhóm Hannamagashi là nhóm bánh có độ ẩm thấp hơn chỉ trong khoảng 10% – 30% với các tên gọi bánh như Yokan, Kingyoku, Monaka. Nhóm cuối cùng là Higashi là các loại bánh có độ ẩm dưới 10%, bao gồm Uchimono và Kakemono.
-
Sakura mochi
Xuất hiện vào Tháng 4 lúc mùa hoa anh đào nở, Sakura mochi thường có nhân là đậu đỏ hoặc trà xanh. Bánh có màu hồng ngọt ngào cùng hương thơm thanh thoát được gói trong lá của hoa anh đào. Người ta dùng bột mì hoặc bột Domyoji để làm loại bánh này. Người Nhật thường dùng bánh Sakura mochi trong các dịp ngắm hoa anh đào hay dành cho ngày lễ Hinamatsuri của các bé gái. Đây cũng là một trong những loại bánh Wagashi nổi tiếng khắp thế giới bởi vẻ đẹp mê hồn của nó.
-
Namagashi
Namagashi thực chất là một loại mochi đặc biệt, bởi nó mô phỏng hình dáng các loài hoa cỏ đặc trưng cho 4 mùa ở Nhật như: hoa đào cho mùa xuân, quýt vàng cho mùa hạ, lá phong cho mùa thu, hoa mơ cho mùa đông,… Người Nhật thường dùng Namagashi để đem biếu, tặng vì một hộp quà namagashi điển hình thường có đủ 4 chiếc bánh tượng trưng cho 4 mùa trong năm, với ý nghĩa cầu chúc người nhận quanh năm được yên ổn, hạnh phúc.
-
Ukishima
Ukishima gần giống với bánh bông lan là được tạo nên từ bột, trứng, đường nhưng được hấp thay vì nướng. Ngoài ra, Ukishima còn sử dụng nguyên liệu quen thuộc là đậu đỏ nên đã tạo cho mình một phong vị Nhật Bản rất riêng. Ukishima thường có nhiều tầng với cách bày trí hài hòa, phong phú.
-
Higashi
Higashi còn được gọi là wagashi khô, bánh được làm từ bột nếp và đường mía xay nhuyễn, cho vào khuôn và để khô, tương tự như bánh in. Cách thức trang trí trên bánh higashi rất đậm chất điêu khắc, tạo cho higashi một vẻ đẹp độc đáo và khác biệt với các loại wagashi khác.
-
Yokan
Yokan được làm từ rong biển và đường mía, trông giống thạch, ăn rất mát trong mùa hè. Điểm đặc biệt của bánh Yokan là những hình vẽ chìm hoặc cánh hoa bên trong bánh. Qua lớp bánh trong suốt, những hình ảnh hiện lên rất sống động và tinh tế như một bức tranh thu nhỏ.
Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau, độ ẩm khác nhau, cách trình bày cũng khác nhau nhưng nhìn chung, các món Wagashi đều mang tính chất hòa hợp với thiên nhiên. Tức là những chiếc bánh Wagashi đều lấy chủ đề thiên nhiên, hoa cỏ và thời tiết làm chủ đạo. Chính sự ẩn ý sâu sắc đằng sau cách làm này đã cho ta thấy một ý nghĩa vô cùng lớn lao của Wagashi: Con người và thiên nhiên cùng chung sống hòa hợp với nhau giữa đất trời bao la.
Để “điêu khắc” ra những chiếc bánh Wagashi xinh xắn và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhặt như thế, người thợ làm bánh đôi khi phải có quá trình rèn luyện từ 3 – 5 năm, thậm chí là 10 năm mới có được tay nghề nhuần nhuyễn. Đó là lý do vì sao nhiều người không xem Wagashi là một món bánh tráng miệng mà xem đây là một đỉnh cao nghệ thuật ẩm thực của Nhật Bản. Bởi linh hồn và tinh hoa của đất nước mặt trời mọc dường như đều được gói gọn trong chiếc bánh bé xíu nhưng cực kỳ tinh tế này.
Để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn về cả về hương vị, hình thức và những triết lý cuộc sống ẩn sâu trong đó, người thợ làm bánh phải trải qua một quá trình đào tạo bài bản để lĩnh hội toàn bộ kiến thức, kỹ năng về văn hóa ẩm thực. Hiểu được điều đó, Trường Trung cấp Bách Khoa Việt Mỹ (AmCollege) triển khai chương trình đào tạo ngắn hạn Bếp Nhật chuyên nghiệp. Hãy liên hệ ngay AmCollege qua hotline 0963 888 712 hoặc xem chi tiết chương trình tại đây để biết thêm thông tin đăng ký