Trẻ em ngay từ khi sinh ra đã bắt đầu học hỏi thế giới xung quanh, đó là nhu cầu phát triển của não bộ. Nhận thức ban đầu của trẻ được cân bằng giữa cả hai bán cầu não. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, môi trường và cách giáo dục sẽ tạo ra những chênh lệch nhất định giữa não trái và não phải.
Chức năng và vai trò của hai bán cầu não là không giống nhau. Bán cầu não trái có nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ, tư duy, tiếp thu ngôn ngữ… Trong khi bán cầu não phải có vai trò xử lý những kiến thức mang tính trừu tượng như trực giác, âm nhạc, nghệ thuật… Tuy mỗi bán cầu não có chức năng riêng, nhưng chúng vẫn luôn hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình nhận thức. Phát triển cân bằng giữa cả hai bán cầu não là một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển trí tuệ cho trẻ.
Tiềm năng của trẻ trong giai đoạn mầm non
Khi chào đời, não trẻ chỉ bằng 25% trọng lượng não trưởng thành và đến 6 tuổi gần như đạt 100% trọng lượng não người lớn. Vì vậy, giai đoạn từ khi mang thai và suốt từ khi sinh ra tới 6 năm đầu đời chính là giai đoạn vàng phát triển não bộ của trẻ. Cấu trúc não bộ của con người có chứa hàng 100 tỷ tế bào thần kinh. Khi trẻ mới sinh ra, kích thước các tế bào nhỏ và thiếu liên kết. Khi não bộ bắt đầu quá trình học hỏi, các tế bào não dần được liên kết với nhau hình thành các con đường truyền tải thông tin. Và ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, trẻ lại có khả năng nhận thức và học hỏi khác nhau.
Nếu được kích thích đúng thì trẻ sẽ phát triển 6 khả năng đặc biệt bao gồm khả năng trực giác, khả năng chụp hình ghi nhớ thông tin, khả năng tính toán, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng lĩnh hội ngôn ngữ và khả năng gắn kết thông tin. Đây là giai đoạn đòi hỏi người lớn phải có tác động cần thiết để kích thích tiềm năng của trẻ.
Các hoạt động hỗ trợ sự phát triển não bộ của trẻ
Phát triển cân bằng giữa cả hai bán cầu não là một trong những nguyên tắc cơ bản trong sự phát triển trí tuệ cho trẻ. Để kích thích tiềm năng não bộ của trẻ, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi mầm non, chúng ta phải xây dựng nhiều hoạt động hỗ trợ.
Khích lệ trẻ đặt câu hỏi: “Vì sao lại thế này, vì sao lại thế kia” có lẽ là câu nói mở đầu của trẻ ở độ tuổi mầm non trong giai đoạn khám phá thế giới xung quanh. Không chỉ là tác động một chiều từ phía trẻ, giáo viên mầm non cũng có thể đặt cho trẻ các câu hỏi để trẻ phát triển khả năng suy nghĩ tư duy.
Tạo môi trường đọc sách cho trẻ: Đọc sách đóng vai trò quan trọng để giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ và hình thành kỹ năng tưởng tượng trong trẻ. Thói quen đọc sách ngoài việc có thêm thông tin, trẻ cũng cần được động viên kể lại câu chuyện theo ý hiểu, nhận biết ý nghĩa qua những câu chuyện… để trẻ học hỏi và hình thành nhận thức.
Phát triển vận động cho trẻ: Nguồn năng lượng của trẻ là vô hạn và chúng sẽ chỉ dừng lại khi đi ngủ mà thôi. Thực tế cho thấy vận động và não bộ có mối tương quan với nhau. Trẻ thường xuyên vận động, hoạt bát thì có khả năng nhận thức cao hơn. Vì vậy, việc khuyến khích vận động sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng học hỏi và tư duy thông qua các hoạt động đó.
Đa dạng hóa các trò chơi dành cho trẻ: Các trò chơi không chỉ nuôi dưỡng tuổi thơ mà nó còn có tác động không nhỏ đến sự phát triển của não bộ. Các hoạt động vui chơi nên được khuyến khích như vẽ tranh, nhảy múa, giải đố,… xen kẽ nhau. Sau thời gian, chúng ta sẽ khám phá ra những khả năng nổi bật của trẻ. Đây cũng là cách giúp trẻ dần hình thành tính kiên nhẫn, khả năng tư duy logic nhằm giúp trẻ thành công hơn trong tương lai.
Khuyến khích trẻ sử dụng cả hai tay: Não phải sẽ điều khiển các hoạt động cơ thể ở bên trái và ngược lại. Vì vậy, dù có bị chi phối bởi não trái hay não phải, việc sử dụng cả hai tay sẽ giúp kích thích và bổ sung sự phát triển đồng đều của hai bán cầu não.
Để trẻ trở thành những người thành đạt trong tương lai, việc kích thích não bộ ngay từ khi còn nhỏ đóng vai trò quyết định. Hiểu được tiềm năng não bộ là bước đầu giúp giáo viên mầm non xây dựng chương trình học và hoạt động ngoại khóa bổ ích để việc dạy trẻ phát huy tối đa năng lực.